Người ủng hộ nhiệt điện than thì cho rằng điện than vẫn là nguồn quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; người phản đối thì cho rằng nhiệt điện than là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường, không nên phát triển, thay vào đó cần phát triển năng lượng tái tạo.
Nhiệt điện than vẫn là nguồn quan trọng
Ngày 30.3, Báo Lao Động đăng tải bài viết: “Quy hoạch Điện VIII được thông qua với số phiếu tuyệt đối” trích dẫn thông tin từ ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương).
Theo đó, trong tổng số 26 phiếu, có 4 phiếu đồng ý thông qua nội dung không chỉnh sửa và 22 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện bổ sung chỉnh sửa của Đề án.
Bài viết trích dẫn ý kiến của một số chuyên gia khi đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới trong Quy hoạch Điện VIII, nhất là trong giai đoạn 10 năm tới. Thay vào đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Trong khi đó, đơn vị lập quy hoạch thì khẳng định, quy mô các nhà máy nhiệt điện than đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, đây là những dự án đã thực hiện công tác xúc tiến đầu tư tốt, mà không thể loại bỏ. Sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.
Ý kiến này nhận được sự bàn luận sôi nổi của bạn đọc, các chuyên gia năng lượng trong nước. Người bày tỏ quan điểm nhiệt điện than vẫn là nguồn quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; người thì cho rằng điện than là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường, không nên phát triển, thay vào đó cần phát triển năng lượng tái tạo.
“Liệu năng lượng tái tạo có phát được vào lúc thời tiết không ổn định không, không có nguồn ổn định bù trừ thì năng lượng tái tạo cũng không thể phát triển được. Giá điện năng lượng tái tạo được như hiện nay, mà không làm tăng giá điện nói chung là nhờ nhiệt điện than”, tài khoản N.X.Q đặt câu hỏi.
“Ở Việt Nam, mua điện của thuỷ điện và nhiệt điện than thấp hơn giá trung bình, trong khi đó mua điện của năng lượng tái tạo cao hơn giá trung bình (giá điện trung bình 1.864,44 đồng/kWh).
Mục tiêu quan trọng nhất là cung cấp đủ điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, nếu tính không khéo thì thu không đủ bù chi. Nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG, thay than thì sự phụ thuộc vào bên ngoài vẫn như vậy, và chỉ phụ thuộc vào loại hình khí LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng”, tài khoản Nguyễn Bình cho hay.
Độc giả Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết.
“Tôi cho rằng, cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng”, độc giả Tuấn Anh nêu quan điểm.
Nhiệt điện than có gây ô nhiễm
Ngược lại, một số độc giả cho rằng, việc tiếp tục phát triển nhiệt điện than sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Độc giả Bình Minh cho rằng: “Việc phát triển điện than sẽ tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc.
Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia.
Trong khi đó, tiềm năng của năng lượng tái tạo lại chưa được tận dụng đúng mức (tổng công suất huy động của năng lượng tái tạo chỉ chiếm 4% vào năm 2030) và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này lại khá đa dạng, từ nhiều thị trường trong và ngoài nước”.
“Nhiệt điện than đã và đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, làm hại sức khỏe nhiều người. Giá nhiệt điện than rẻ vì không tính đúng phí ô nhiễm môi trường. Trả giá nhiệt điện than rẻ rồi phải trả phí bệnh tật cao”, độc giả Tuấn Trần cho hay.
Nguồn: Báo lao động