TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Người dân Hà Nội mất gần 80.000 năm sống vì ô nhiễm bụi mịn PM2.5

Người dân Hà Nội mất gần 80.000 năm sống vì ô nhiễm bụi mịn PM2.5

00:41 | 23/04/2023
Vì bụi mịn PM2.5, tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội là 79.933 năm và kỳ vọng sống bị mất là 908 ngày. Ba Vì là huyện có nồng độ bụi mịn PM2.5 thấp nhất ở Hà Nội nhưng vẫn vượt ngưỡng mà Bộ Tài nguyên - môi trường đưa ra.

Người dân Hà Nội mất gần 80.000 năm sống vì ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - Ảnh 1.

 
Đây là những công bố mới nhất về tác động của ô nhiễm bụi PM2.5 đối với sức khỏe người dân tại Hà Nội, được công bố tại hội thảo trực tuyến "Kết quả nghiên cứu tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2.5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019", do Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) phối hợp Trường ĐH Y tế công cộng và Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng nay, 12-8.

Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng số liệu do địa phương cung cấp để đánh giá gánh nặng bệnh tật do tác động của ô nhiễm bụi PM2.5 đến sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội, được thực hiện trong khuôn khổ dự án Chung tay vì không khí sạch với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (ĐH Công nghệ) cho biết nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 μg/m3 đến 39,4μg/m3. Các quận nội thành như Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2.5 cao nhất; các huyện ngoại thành như Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây… có nồng độ bụi PM2.5 thấp hơn.

Tuy nhiên, ngay cả Ba Vì có nồng độ PM2.5 thấp nhất ở Hà Nội là 28,15 μg/m3 thì vẫn cao hơn ngưỡng quy chuẩn quốc gia do Bộ Tài nguyên - môi trường đưa ra (25 μg/m3).

Người dân Hà Nội mất gần 80.000 năm sống vì ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - Ảnh 2.

Tổng số năm sống khỏe mạnh bị mất của người dân Hà Nội là 79.933 năm vì bụi mịn PM2.5 - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp màn hình

Về gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong ở nhóm người 25 tuổi trở lên do phơi nhiễm dài hạn với bụi PM2.5 tại Hà Nội, tiến sĩ Đỗ Thị Trang Nhung (ĐH Y tế Công cộng) cho biết năm 2019, Hà Nội có 2.855 ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2.5, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm/100.000 dân và chiếm 12% tổng số ca tử vong ở người dân Hà Nội trên 25 tuổi.

Tổng số năm sống (tiềm tàng) bị mất của người dân Hà Nội là 79.933 năm và kỳ vọng sống bị mất do phơi nhiễm với bụi PM2.5 là 908 ngày, tức giảm khoảng 2,49 tuổi.

Tiến sĩ Nhung lấy ví dụ, tuổi thọ bình quân của người Hà Nội hiện nay khoảng 79 tuổi, nếu không vì ô nhiễm bụi mịn, tuổi thọ của họ phải là 81,49 tuổi...

Người dân Hà Nội mất gần 80.000 năm sống vì ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - Ảnh 3.

Nếu nồng độ PM2.5 của Hà Nội về mức quy chuẩn Việt Nam là 25μg/m3 thì người dân thành phố sẽ tránh được gần 72.000 năm sống bị mất, nếu về mức của WHO là 10 μg/m3 thì sẽ tránh được hơn 123.000 năm sống bị mất - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp màn hình

Các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến nghị với các nhà hoạch định chính sách là cần lập và thực hiện kế hoạch liên ngành ứng phó với ô nhiễm không khí, bao gồm các hướng dẫn y tế và biện pháp bảo vệ sức khỏe, biện pháp hạn chế nguồn thải tương ứng với các mức ô nhiễm không khí; phát triển hệ thống dự báo chất lượng không khí và cảnh báo các đợt ô nhiễm không khí; truyền thông, nâng cao nhận thức...

Tại hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội cho biết những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của thành phố, trong đó đã giảm thiểu việc đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong. Tuy nhiên hiện tượng đốt rác thải sinh hoạt vẫn đang diễn ra.

Từ Thái Lan, ông Supat Wangwongwatana (Trường ĐH Sức khỏe cộng đồng, Thái Lan) cho biết đất nước này đã và đang có nhiều chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

Từ năm 2016, lượng PM2.5 trung bình đã giảm còn 25 μg/m3 khí, nhưng chính phủ vẫn có hành động quyết liệt. Vào cuối năm 2020, Chính phủ Thái Lan tuyên bố rằng bụi mịn là vấn đề chính sách toàn quốc. Từ năm 2019, chương trình hành động quốc gia đã được sửa đổi, trong đó đưa ra những biện pháp ngắn, trung và dài hạn giảm thiểu ô nhiễm khói bụi, quy định rõ nếu mức ô nhiễm đạt trên mức nào thì chính phủ cần phải hành động ra sao.

Tại Thái Lan, việc đốt rơm rác ngoài trời cũng là nguyên nhân thứ 2 gây ô nhiễm không khí, nên chính phủ đã có quy định vào cuối năm tới, một số vùng 100% ngành mía đường không được đốt rác.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại