TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Phát huy tiềm năng thế mạnh khoáng sản vùng Tây Bắc: Khoáng sản - trụ cột kinh tế của các tỉnh Tây Bắc

Phát huy tiềm năng thế mạnh khoáng sản vùng Tây Bắc: Khoáng sản - trụ cột kinh tế của các tỉnh Tây Bắc

21:23 | 23/04/2023
Hiện nay, một số tỉnh khu vực Tây Bắc có thế mạnh và tiềm năng, đảm bảo thu ngân sách địa phương, nộp ngân sách Nhà nước từ nguồn thu thuế tài nguyên, phí cấp quyền, phí bảo vệ môi trường và tiền đấu giá đất.

Đây là một trong những nguồn lực bền vững, ổn định của hầu hết các tỉnh Tây Bắc nói riêng trong việc đảm bảo thu ngân sách từ việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khoáng sản không phải là nguồn tài nguyên vô hạn, chính vì vậy, việc khai thác và cấp phép khai thác, sử dụng cần đảm bảo độ hợp lý, tính hiệu quả, tiết kiệm trong khai thác và sử dụng tài nguyên.

Khoáng sản… nguồn thu ổn định hàng năm

Hoạt động chế biến, khai thác khoáng sản vùng Tây Bắc trong thời gian qua tương đối sôi động, cơ bản tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và Sơn La. Hoạt động khai khoáng đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, điển hình như: Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và một số tỉnh khác trong khu vực.

Hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: Hoàng Minh

Cụ thể, tính đến đầu tháng 10/2021, Cục Thuế tỉnh Lào Cai tổng thu khoảng 4.787 tỷ đồng, (đạt 86% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 63% dự toán UBND tỉnh này giao, bằng 56% chỉ tiêu, phấn đấu tăng 30%, so với cùng kỳ).

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đóng vai trò trọng điểm, chiếm tỷ trọng 20 - 30% nộp ngân sách Nhà nước/năm.

Trong bối cảnh nguồn thu từ thương mại, dịch vụ tiếp tục giảm sâu do tác động của dịch bệnh, một số lĩnh vực kinh doanh, khai thác khoáng sản, thủy điện đã mang lại nguồn thu khá ổn định và tương đối lớn cho địa phương, đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kế hoạch thu ngân sách Nhà nước tại địa phương, đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động lớn đến môi trường kinh doanh, hầu hết trên mọi lĩnh vực.

Không riêng gì Lào Cai, một số tỉnh như Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu cũng có nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, khai thác khoáng sản chiếm tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước khá cao.

Riêng tỉnh Yên Bái, tính đến tháng 10/2021, tỉnh thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 130,1 tỷ đồng, bằng 216,9% dự toán Bộ Tài chính, 153,1% dự toán tỉnh, 108,4% so với nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 234-KL/TU và 240,4% so với cùng kỳ… Thu thuế bảo vệ môi trường đạt 80%.

Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái nhận định: Trong tổng thu nội địa 9 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, có 3 nguồn thu hoàn thành dự toán. Đó là thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 101%; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 119%; thu lợi nhuận cổ tức chia lại đạt 128%.

Có thể nói, đây là những kết quả đáng kể trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh từ lĩnh vực khai khoáng của một số địa phương, là những nguồn thu ổn định, ít bị chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Khai thác phải đi đôi với tiết kiệm, sử dụng hiệu quả

Tài nguyên khoáng sản được các chuyên gia và các nhà quản lý nhận định không phải là tài sản vô hạn. Chính vì vậy, để khoáng sản khu vực Tây Bắc được khai thác và sử dụng có hiệu quả, cần rà soát hoạt động khai thác, chế biến xuất khẩu khoáng sản một cách chặt chẽ. Đồng thời có giải pháp chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Không cấp phép đầu tư manh mún, không thỏa thận các dự án chế biến khoáng sản khi chưa xác định được nguồn nguyên liệu ổn định dài lâu cho sản xuất.

Điểm khai thác mỏ tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai

Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc có trữ lượng khoáng sản cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khoanh định khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khu vực dự trữ tài nguyên quốc gia, nhằm định hướng phát triển bền vững cho các vùng khoáng sản. Về lâu dài, ngành công nghiệp chế biến khoáng sản cần có sự liên kết giữa các tỉnh để xây dựng các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung, quy mô lớn có công nghệ cao nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, công suất đầu tư.

Nói đến hoạt động của vùng khoáng sản Tây Bắc, không thể không ghi nhận đã có nhiều mỏ khoáng sản đang được khai thác hiệu quả. Tại Lào Cai là quặng apatit ở mỏ Sin Quyển, quặng sắt mỏ Quý Xa. Hà Giang có mỏ quặng mangan ở Đồng Tâm, Vị Xuyên được đầu tư cơ sở chế biến sâu, công suất 30.000 tấn/năm. Lai Châu có mỏ đất hiếm ở Đông Pao, Nậm Xe đã được các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác gắn với dự án chế biến sản phẩm đất hiếm thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, công tác cấp phép, quản lý, khai thác khoáng sản ở các tỉnh Tây Bắc nói riêng được quản lý rất chặt chẽ, bài bản, hiệu quả và đây cũng là một trong những giải pháp nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước. Từ đó, tăng thu ngân sách địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác, kinh doanh lĩnh vực khai khoáng với tỷ trọng tương đối lớn.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại