* Cảng hàng không Quảng Trị được xem là động lực phát triển của tỉnh, đến nay tiến độ dự án ra sao thưa ông?
- Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng đưa vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bộ GTVT đã phê duyệt quy hoạch với chức năng là cảng hàng không nội địa, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Quy mô sẽ là sân bay dân dụng cấp 4C và quân sự cấp II, công suất 1 triệu hành khách/năm.
Với lượng khách du lịch đến Quảng Trị tăng đều qua các năm và hơn 2 triệu trong năm 2019 cũng như việc gia tăng các nhà đầu tư, các chuyên gia đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Quảng Trị, thì đây là công trình góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào Quảng Trị.
Mặt khác, việc đầu tư Cảng hàng không Quảng Trị còn góp phần quan trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới, các đảo, quần đảo khu vực miền Trung và vịnh Bắc Bộ; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên Biển Đông.
Công trình có tính khả thi cao, cần được đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng đã có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định cấp chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư PPP.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch… để nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công trong năm 2021.
Quan điểm của chúng tôi là có thể chọn ít nhà đầu tư, nhưng phải là những nhà đầu tư lớn, có tầm vóc, có khả năng, trên cơ sở sử dụng ít tài nguyên, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều việc làm, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Đây phải là những con sếu đầu đàn để tạo ra xung lực, năng lượng mới cho đầu tư của tỉnh. Hiện đã có những nhà đầu tư tầm vóc như thế đến đây, và đã có dự án du lịch với tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng đã bắt đầu giải phóng mặt bằng.
Ảnh: NGỌC HIỂN
Theo ông Võ Văn Hưng, bên cạnh các sản phẩm du lịch đã định hình thương hiệu như du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội, du lịch DMZ, du lịch Hành lang kinh tế Đông Tây… Quảng Trị có nhiều "món ngon" có thể mời gọi du khách và các doanh nghiệp đến đầu tư như các bãi biển đẹp, hoang sơ Cửa Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy.
Đặc biệt, cách đất liền 17 hải lý, đảo Cồn Cỏ - hòn ngọc giữa biển đông những năm gần đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Đây là nơi mà trong một hội nghị phát triển du lịch vào đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam đặc biệt nhắc đến với nhiều kỳ vọng. Thậm chí ông Tuấn "chọn" luôn Cồn Cỏ là điểm nhấn, là thương hiệu, là sự khác biệt cho du lịch Quảng Trị nếu có hướng khai thác tốt. Đặc biệt là khi có một khu nghỉ dưỡng cao cấp để tạo điểm nhấn.
Thời điểm đó ông Tuấn cũng cho rằng nếu có một nhà đầu tư đẳng cấp thì đảo Cồn Cỏ có thể phát triển thành thiên đường du lịch như Maldivel.
Ở khu vực phía tây của tỉnh có nhiều địa thế rừng, núi, hồ, sông, suối… tạo nên khung cảnh thiên nhiên rất hùng vĩ. Ngoài ra còn có các hang động, thác nước đồ sộ trải rộng trên khắp địa bàn thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Những năm gần đây, ở địa bàn huyện Hướng Hóa đã hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng như đường hoa dã quỳ, vườn hoa thạch thảo, Bungalow 5 mùa, cánh đồng điện gió ở Hướng Linh…
Đặc biệt là hệ thống hang động mới được phát hiện ở vùng bắc huyện Hướng Hóa. Hệ thống hang động này được đánh giá là kỳ vĩ và huyền ảo không kém hệ thống hang động ở Quảng Bình với hệ thạch nhũ được tích tụ hàng triệu năm. Mới đây lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn trực tiếp đi kiểm tra để tìm phương án khai thác giá trị của hệ thống hang động này.
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng sự phát triển của các loại hình du lịch này đang ở giai đoạn ban đầu, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế. Trong thời gian tới Quảng Trị sẽ huy động hết tất cả các nguồn lực, tích cực triển khai các dự án đối tác công – tư (PPP), kêu gọi doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm gắn với sông suối, hang động, thác nước, đi bộ băng rừng, tham quan các khu tự nhiên ven biển, tour du lịch "Dòng sông huyền thoại", đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, farmstay…
Theo ông Hưng, vừa qua nhiều tập đoàn, công ty du lịch lớn đã đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư với số vốn đăng ký hàng ngàn tỉ đồng.
Nguồn: Greenid