Theo đó, lãnh đạo Chính phủ đánh giá Bộ Công Thương đã nỗ lực hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, Bộ cần tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện, bảo đảm cao nhất cân bằng cung cầu nội vùng (Bắc, Trung, Nam); kết hợp sử dụng hợp lý, kinh tế lưới điện truyền tải liên kết hiện có và đang đầu tư xây dựng, bảo đảm hiệu quả chung cao nhất.
Với các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26), Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, cập nhật tại bản quy hoạch này. Ngoài ra, các tiêu chí xác định dự án trọng điểm, dự án ưu tiên trong quy hoạch điện VIII cũng cần được làm rõ.
Công nhân Công ty truyền tải điện 2 sửa chữa trên lưới. Ảnh: Hoài Thu
Bộ Công Thương đánh giá kỹ thêm mức độ dự phòng nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện từng miền, trong đó có tính đến phương án điều hành bảo đảm cung ứng khi tỷ lệ nguồn điện không đạt 100% so với quy hoạch và phương án cân đối dự phòng công suất nguồn điện nếu không có nguồn điện mặt trời.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát kỹ quy hoạch một số nguồn điện có tính khả thi không cao hiện chưa có chủ đầu tư, hoặc đã có chủ đầu tư nhưng họ đề nghị không tiếp tục làm, nhất là dự án điện than.
Ông lưu ý, các điểm sửa đổi để hoàn thiện quy hoạch (nguồn, lưới điện, giá điện...) cần được lấy ý kiến rộng rãi, công khai các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học trong, ngoài nước thông qua tổ chức hội thảo góp ý.
Đầu tháng 10, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo quy hoạch điện VIII sau 2 lần chỉnh sửa, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Theo dự thảo, quy hoạch điện VIII là ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện. Bản dự thảo đưa ra kế hoạch dừng xem xét quy hoạch một số dự án nhiệt điện than được phê duyệt, nhưng không được địa phương ủng hộ hoặc không đủ điều kiện phát triển.
Ước tính, giai đoạn 2021-2030 tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, tương đương 10-11,5 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, vốn cho phát triển nguồn điện bình quân mỗi năm 8,57-10,15 tỷ USD; còn vốn cho lưới điện truyền tải khoảng 1,36-1,44 tỷ USD một năm. Mười năm sau đó, số vốn cần cho đầu tư nguồn, lưới điện tăng lên 12-15,2 tỷ USD mỗi năm.
Nguồn: Greenid