Hằng năm, vào ngày ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng Chạp âm lịch) nhiều sông hồ của Hà Nội bị ô nhiễm nặng bởi hành động xả rác và túi nilon khi nhiều người dân mang cá và tro đổ ra sông, hồ để "tiễn" ông Công, ông Táo về trời.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt cứ vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người". Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Bởi thế cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng cá chép. Người dân thường chuẩn bị 2 hoặc 3 con cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem "phóng sinh" ở sông, ao, hồ, nghĩa là để đưa ông Táo về trời.
Tuy nhiên, những năm qua, nhiều sông, hồ ở Hà Nội, người dân không chỉ thả cá mà còn thả cả bát hương, bàn thờ và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ. Thậm chí, nhiều người vội công việc chỉ dừng xe trên cầu thả túi đựng cá, ném túi tro vàng xuống sông gây nên lớp bụi mù mịt và tạo ra hình ảnh ứng xử thiếu văn minh, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị. Thói quen thả tro vàng, bát hương và đặc biệt là túi nilon xuống lòng sông, hồ ngày ông Công ông Táo tồn tại đã lâu, ăn vào nếp nghĩ của một bộ phận không nhỏ người dân.
Trong dịp cuối năm, đặc biệt trước và trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, các bạn trẻ tình nguyện đã làm các chiến dịch hạn chế rác thải, túi nylon, chung tay bảo vệ môi trường. Tại các khu vực người dân hay thả cá ở Hà Nội như Hồ Tây, cầu Long Biên, cầu Chương Dương… đã có rất nhiều tình nguyện viên kêu gọi không thả túi nylon và chia sẻ các thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng. Tiêu biểu như: Thông điệp thả cá, không thả túi nylon lan tỏa mạnh mẽ trong ngày ông Công ông Táo. Ở các địa phương khác trong cả nước cũng có những thông điệp mang ý nghĩa như vậy, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, người dân sẽ phải thực hiện 5K để thực hiện phòng chống dịch.
Để hạn chế tình trạng vứt bỏ túi ni lông bừa bãi sau khi người dân thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo, chiều 22/1, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang tổ chức lắp đặt các giỏ nhựa, thùng rác tại cầu Mỹ Độ, cầu Xương Giang, hồ Công viên Hoàng Hoa Thám và một số khu vực triền sông thuộc địa bàn TP.Bắc Giang.
Đây là hoạt động do đơn vị thực hiện hằng năm để phục vụ nhân dân bỏ túi ni lông, rác thải sau khi thả cá chép dịp Tết ông Công, ông Táo - 23 tháng Chạp. Kinh phí được trích từ quỹ của Đoàn thanh niên và Công ty hỗ trợ.
Cùng với lắp đặt khoảng 60 thùng rác, những ngày này, các ĐVTN bố trí trực tại một số điểm để nhắc nhở người dân chấp hành, chung tay bảo vệ môi trường và kịp thời dọn vệ sinh, thu gom rác chuyển đến nơi xử lý. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm bắt, thực hiện.
Theo chị Nguyễn Thị Hương, Bí thư Đoàn thành niên Công ty, qua 4 năm tổ chức hoạt động này, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chuyển biến rõ rệt. Trước kia, sau Tết ông Công, ông Táo, đơn vị phải tổ chức cho ĐVTN chèo thuyền ra sông, hồ vớt nhiều rác, túi ni long bởi mọi người sau khi thả cá, tro hương thường tiện tay vứt bừa rác, túi ni lông hoặc không ít người thường phải nhắc mới bỏ rác vào thùng thì những năm gần đây đã tự giác thực hiện. Cảnh quan, môi trường những khu vực này nhờ đó sạch đẹp hơn.
Theo các chuyên gia về môi trường, việc hạn chế sử dụng và thải bỏ nilon đang được khuyến khích thực hiện vì những mặt trái của loại sản phẩm này. Việc thời gian mấy năm gần đây có phong trào thả cả đừng thả túi nilon thực sự là tốt. Tuy nhỏ nhưng nó thể hiện được phần nào việc một bộ phận giới trẻ có nhận thức về bảo vệ môi trường, từ đó sẽ lan tỏa và thay đổi tư duy, hành động của cộng đồng…Trong bối cảnh dịch bệnh, hy vọng năm nay người dân sẽ có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống nói chung và hạn chế sử dụng rác thải nhựa, trong đó có túi nilon…
Nguồn: Internet