TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » 08/06/632: Người sáng lập Hồi giáo qua đời

08/06/632: Người sáng lập Hồi giáo qua đời

13:06 | 25/04/2023

Ngày mùng 8 tháng 6 năm 632, ở Medina, thuộc Ả Rập Xê-út ngày nay, Muhammad, một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, đã qua đời trong vòng tay của Aishah, người vợ thứ ba yêu quý của ông.

Sinh ra ở Mecca trong một gia đình có gốc gác khiêm tốn, Muhammad cưới một góa phụ giàu có năm ông 25 tuổi và sống như một thương nhân bình thường trong suốt 15 năm sau đó. Năm 610, trong một hang động trên núi Hira nằm ở miền Bắc Mecca, ông nhìn thấy cảnh mà trong đó Thiên Chúa, qua giọng của thiên thần Gabriel, báo rằng ông được chọn để trở thành đấng tiên tri Ả Rập của một “tôn giáo đích thực.” Từ đó ông bắt đầu khám phá những mạc khải tôn giáo mà sau này ông cùng những người khác gom nhặt lại thành Kinh Koran. Những mạc khải đó đã trở thành nền tảng của Hồi giáo.

Muhammad tự coi mình là vị ngôn sứ cuối cùng của truyền thống Do Thái – Ki tô giáo, ông cũng thu nhận nền thần học của những tôn giáo cổ xưa đó trong khi giới thiệu những giáo lý mới. Những lời rao giảng của ông cũng đem lại sự thống nhất cho các bộ lạc Bedouin ở Ả Rập, một sự kiện có tác động sâu rộng đến thế giới.

Mùa hè năm 622, Muhammad đã tập hợp được rất đông người cải đạo theo Hồi giáo ở Mecca. Điều đó khiến chính quyền thành phố, những người muốn bảo tồn tôn giáo ngoại giáo của thành phố, lên kế hoạch ám sát ông. Muhammad di cư đến Medina, thành phố nằm cách Mecca gần 350 kilômét về phía Bắc, nơi ông có được một vị trí quyền lực đáng kể.

Ở Medina, ông xây dựng một nhà nước thần quyền kiểu mẫu và cai trị một đế chế phát triển nhanh chóng. Năm 629, ông trở lại để chinh phục Mecca. Trong hai năm rưỡi sau đó, rất đông các bộ lạc Ả Rập khác nhau đã cải đạo sang Hồi giáo. Cho đến khi qua đời, ông là người cai trị khắp các vùng phía Nam Ả Rập, những nhà truyền giáo của ông có mặt ở Đế quốc Đông La Mã, Ba Tư, và Ethiopia.

Trong thế kỷ sau đó, những cuộc chinh phục lớn được tiếp tục dưới những người tiếp nối và đồng minh của Muhammad, bước tiến của Hồi giáo chỉ bị chặn lại trước trận đánh Tours diễn ra ở Pháp năm 732. Tính đến thời điểm đó, đế chế Hồi giáo, một trong những đế chế lớn nhất thế giới, trải dài từ Ấn Độ qua Trung Đông và Bắc Phi, ngược lên bán đảo Iberia của Tây Âu. Sự lan truyền của Hồi giáo vẫn tiếp tục sau khi cuộc chinh phục Ả Rập chấm dứt, nhiều nền văn hóa ở châu Phi và châu Á đã tự nguyện đi theo tôn giáo này. Ngày nay, Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới (sau Kitô giáo).

NGUỒN: NGHIENCUUQUOCTE

Tin cùng loại