TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Sinh hoạt tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay

Sinh hoạt tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay

09:30 | 11/04/2023
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, xây dựng đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vùng miền núi phía Bắc nước ta, về mặt hành chính gồm có 14 tỉnh thuộc 2 khu vực: Khu vực Tây Bắc bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình. Khu vực Đông Bắc bao gồm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái. Diện tích tự nhiên là 102.900 km2 (chiếm 30,7% diện tích cả nước), dân số đến năm 2009 là 12.208.830 người (bằng 14,23% của cả nước), có 32 dân tộc cùng sinh sống. Đây là địa bàn vừa có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng, vừa có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến lâm sản, khai thác mỏ, du lịch… Đây cũng là nơi có lợi thế về giao thương với Trung Quốc và Lào, do có đường biên giới trải dài từ Đông sang Tây.
1.  Phật giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc có 412.945 tín đồ; 5.313 chức sắc, chức việc; 1.512 cơ sở thờ tự, sinh hoạt Phật giáo1. Sơn La là tỉnh cuối cùng thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh (năm 2015), đưa tổng số 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về sinh hoạt, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh miền núi phía Bắc triển khai các nội dung hoạt động và sinh hoạt Phật sự theo chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tới Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố, các cơ sở của Giáo hội và trong toàn thể tăng ni, phật tử ở địa phương. Tăng ni, phật tử thường xuyên đến chùa lễ Phật vào ngày rằm, mồng một hàng tháng và các ngày vía của Đức Phật. Đặt biệt, vào các dịp lễ trọng như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, lễ tưởng niệm các bậc tôn túc viên tịch, lễ hội đầu xuân và các lễ hội lớn trên địa bàn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trọng thể nghi lễ Phật giáo cùng với nghi lễ truyền thống của địa phương, thu hút nhiều tín đồ Phật tử và khách thập phương đến tham dự.
Về mặt nhập thế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương trong vùng tích cực động viên tăng, ni và phật tử hăng hái tham gia công việc của xã hội, các phong trào ích nước, lợi dân, thiện tâm, công đức như: Phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín, hủ tục; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật tại địa phương, bảo đảm an toàn, trật tự ở các địa bàn dân cư… bằng các hình thức, như: tặng quà cho người nghèo, khám chữa bệnh từ thiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp tiền và vật chất ủng hộ đồng bào nghèo và đồng bào bị thiên tai lũ lụt… trong quá trình tích cực thực hiện Phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các phong trào thi đua yêu nước khác, được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Về những tác động của Phật giáo đến đời sống tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo, mặc dù Phật giáo chưa phát triển sâu rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng tinh thần, đạo đức Phật giáo có ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần, văn hóa của đồng bào.
Lễ nghi và hoạt động Phật sự gần gũi với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và một số hình thức tín ngưỡng khác của đồng bào dân tộc thiểu số (như lễ Cấp sắc của người Dao…). Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của Phật giáo phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và đời sống xã hội, nên mối quan hệ giữa Phật giáo đối với nhân dân nói chung, nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc nói riêng ngày càng gắn bó, tốt đẹp, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, việc phát triển của Phật giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu … do thiếu cơ sở sinh hoạt và một số vấn đề trong hoằng pháp. Hầu hết chức sắc Phật giáo là người Kinh, hầu như chưa có người dân tộc thiểu số, khi hoằng pháp tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số họ gặp khó khăn vì “ngôn ngữ bất đồng”, cùng với những khác biệt về nếp sống, sinh hoạt, văn hóa, phong tục, tập quán ở mỗi vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những bất lợi trong việc hòa nhập của tăng, ni với đồng bào dân tộc thiểu số.
2.  Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc có 479.644 người với 183 chức sắc, chức việc; 886 cơ sở thờ tự2.
Đại đa số chức sắc và tín đồ Công giáo tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh“ và phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”. Tổ chức Giáo hội Công giáo các địa phương cũng chủ động phối hợp vận động chức sắc, tín đồ tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo chương trình đã được ký kết giữa Giáo hội với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ…
Bên cạnh đó, chức sắc và tín đồ đạo Công giáo ở một số địa phương triển khai khá hiệu quả các phong trào, mô hình giữ gìn an ninh, trật tự ở địa bàn dân cư như: phong trào “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến”; Mô hình xứ đạo “Xanh sạch đẹp”; phong trào 3 không “Không nghiện hút; không cờ bạc, trộm cắp; không mại dâm”; phong trào “Giữ gìn bình yên xứ, họ đạo”; phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự xóm thôn bản khu vực biên giới…
Về cơ bản, chức sắc và tín đồ đạo Công giáo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mối quan hệ giữa chức sắc Công giáo với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã có sự gần gũi, cởi mở hơn nhiều so với trước đây.
Về ảnh hưởng của Đạo Công giáo đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Về cơ bản đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Công giáo vẫn giữ được một số phong tục, tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, chấp hành chính sách, pháp luật tốt. Những việc làm tích cực của nhiều chức sắc Công giáo như tại các buổi giảng lễ cho tín đồ, các chức sắc thông tin đến tín đồ các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo và đồng bào bị thiên tai lũ lụt… tạo điều kiện tốt để người theo đạo Công giáo thực hiện sống “Tốt đời – Đẹp đạo”.
Chức sắc, tín đồ Công giáo thực hiện đời sống đạo thuần túy theo giáo lý, giáo luật của Công giáo nên không có các hoạt động mê tín dị đoan, tập quán lạc hậu như bói toán, đốt vàng mã quá mức trong các buổi lễ, tết, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của xã hội ở các địa phương.
Tuy vậy, trên địa bàn các địa phương có đông đồng bào theo đạo Công giáo vẫn còn những vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, chung quanh các vấn đề xin, đòi lại đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; chia tách địa phận sinh hoạt chưa phù hợp… Từ những vấn đề này, một số chức sắc thể hiện sự thiếu thiện chí trong hợp tác với chính quyền địa phương; tổ chức các sinh hoạt, hoạt động không đúng quy định của pháp luật như: Tự ý tổ chức các hoạt động tôn giáo ngoài chương trình; xây mới, tu bổ cơ sở thờ tự nhưng không báo cáo, đăng ký với cấp có thẩm quyền theo quy định; không tham gia và không khuyến khích chức việc, tín đồ tham gia các công việc xã hội. Một số nơi, linh mục hướng dẫn, phối hợp với gia đình giáo dân, giao tiền cho giáo dân mua đất rồi “hiến” cho linh mục mở rộng diện tích của nhà thờ, “biến gia thành tự”… gây nên tình trạng khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý tại địa bàn.
Tình hình khôi phục và phát triển hội đoàn của Công giáo ở các địa phương đã ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội ở vùng giáo, lực lượng thanh thiếu niên là người Công giáo dành phần lớn thời gian vào các hoạt động của hội đoàn, gây khó khăn trong việc tập hợp và sinh hoạt của tổ chức, đoàn thể.
3. Các tỉnh miền núi phía Bắc có 213.913 người theo đạo Tin lành (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, tiếp theo là dân tộc Dao và một số ít dân tộc khác) với 163 chức sắc, chức việc; sinh hoạt tại 1.184 điểm nhóm, trong đó có 424 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ3.
Về mặt tích cực, đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành tiếp thu và thực hiện những giá trị tôn giáo tiến bộ của Tin lành vào đời sống.  Ở nhiều nơi đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành chăm chỉ lao động sản xuất, tìm cách phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp đỡ những người cùng theo tôn giáo thực hiện. Vì giáo lý của đạo Tin lành khuyến khích tín đồ hăng hái làm việc để phát triển kinh tế, coi lao động là trách nhiệm, nghĩa vụ hàng ngày để hiện thực hóa đức tin của tín đồ trước Chúa.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa quan niệm, sinh hoạt của những người theo đạo Tin lành với những người không theo đạo Tin lành tạo ra nhiều tình huống phức tạp, mâu thuẫn, thậm chí xung đột trong các mối quan hệ giữa vợ – chồng, các thành viên trong gia đình, dòng họ, thôn, bản… Những quy định của gia đình, dòng tộc theo truyền thống đã có từ trước đây, cũng như quy ước của thôn, bản được thay thế bởi hệ thống giáo luật của đạo Tin lành, mọi hành vi, thái độ của tín đồ phải thực hiện theo giáo luật và giáo lý. Trong khi đó, việc “hóa giải”, xử lý một cách “linh động” những khác biệt giữa nội dung trong quy định của giáo luật, giáo lý với chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung cũng như phong tục, tập quán, hương ước, quy ước của thôn, bản, của dòng tộc và của cộng đồng mà mình đang sống nói riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn.
Giải quyết những tác động của tôn giáo đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta hiện nay là nhiệm vụ cần được quan tâm của cả hệ thống chính trị, cũng như của các tổ chức tôn giáo đã có tư cách pháp nhân để vừa bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay. Bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, xây dựng đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguồn: Internet

Tin cùng loại