TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Nghiên cứu về Tôn giáo » Vài nét về ngôi Giáo Hoàng

Vài nét về ngôi Giáo Hoàng

15:00 | 25/04/2023

Ngôi Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo La Mã là một chức vụ đã có từ lâu và thường giữ vai trò quan trọng trên thế giới cho đến nay. Kitô giáo ra đời trong Đế quốc La Mã giữa cộng đồng dân Do Thái với câu chuyện Thánh kinh về Jesus, con của Chúa. Mặc dù Thánh kinh không nói tới chức Giáo hoàng như hình ảnh ngày nay, ngôi Giáo hoàng, với vai trò kế vị Peter, dựa trên một diễn giải thần học có tính lịch sử: Vị trí nổi bật của Peter trong 12 tông đồ. Phúc âm Matthew 16:18-19 ghi lời Jesus nói với Simon:

“Ta bảo cho ngươi, ngươi là Peter [nghĩa là đá], ta sẽ xây Hội Thánh của ta trên tảng đá này, và cổng âm phủ sẽ không thắng nổi nó. Ta sẽ cho ngươi chìa khóa nước thiên đàng; bất cứ điều gì ngươi buộc dưới đất cũng sẽ buộc trên trời, và bất cứ điều gì ngươi cởi dưới đất cũng sẽ cởi trên trời”.

Câu nói đầy ẩn dụ này đặt nền tảng cho quyền uy tuyệt đối của Peter. Vì thế, mặc dù Linus là lãnh tụ đầu tiên của cộng đồng Kitô hữu ở La Mã, nhưng Peter có địa vị tối cao khi ông đến La Mã và được Giáo hội coi là Giáo hoàng đầu tiên. Jesus không nói cụ thể rằng sẽ có những người kế vị Peter để cởi và buộc những điều trên trần thế. Jesus cũng không dặn Peter, hay những người kế vị Peter, nên đặt nền móng cho hội thánh ở kinh đô La Mã. Đối với Jesus có lẽ Jerusalem có vị trí quan trọng hơn nhiều, nhưng La Mã là trung tâm chính trị thời đó và có ảnh hưởng lớn đến sự sống còn của cộng đồng Kitô trên toàn đế quốc. Ngoài ra, trong bốn cuốn Phúc âm Matthew, Mark, Luke và John, chỉ cóMatthew nhắc tới chữ “hội thánh” (church) hai lần, lần thứ hai trongMathew 18:17, vì thế nhiều người còn đặt câu hỏi Jesus có thực sự đề cập đến việc lập hội thánh cho những người cùng niềm tin, nhất là dưới dạng một tổ chức với hệ thống trên dưới phức tạp như Giáo hội hiện nay.

Sau nhiều thăng trầm, ngày nay về mặt tinh thần Giáo hoàng là Giám mục địa phận La Mã, có quyền bổ nhiệm các chức vụ cốt lõi trong Giáo hội và là chủ chăn của hơn một tỉ tín đồ Công giáo trên trần thế; về mặt thế tục ông đứng đầu nhà nước ở Vatican có liên hệ ngoại giao với nhiều nước và tổ chức trên thế giới.

***

Cho đến nay có 265 người được Giáo hội ngày nay công nhận là Giáo hoàng hợp lệ. Trung bình họ giữ ngôi dưới tám năm. Nếu không kể đến Peter, Piux IX (1846-1878) trị vì lâu nhất, hơn 31 năm. Urban VII (1590) làm Giáo hoàng ngắn nhất, qua đời 13 ngày sau khi được bầu, trước khi kịp làm lễ đăng quang. Stephen II (752) được bầu làm Giáo hoàng nhưng mất 3 ngày sau đó, và vì chưa thụ phong Giám mục nên ông không được coi là Giáo hoàng. Ngày nay, với tiến bộ về y khoa và hết bị bức hại cũng như không còn đánh nhau giành quyền lợi với các nhà cai trị thế tục nữa, Giáo hoàng thường trị vì lâu hơn. John Paul II (1978-2005) giữ ngôi hơn 26 năm, lâu thứ nhì trong lịch sử Giáo hội.


Lịch sử đạo Kitô xảy ra nhiều vụ tranh chấp nội bộ, dẫn tới ly giáo hoặc các nhóm tín đồ tự bầu ra Giáo hoàng của phe mình để chống lại Giáo hoàng của phe khác. Nhiều vị bị cho là bất hợp lệ, gọi là Giáo hoàng đối lập, “anti-popes”. Nhiều khi có ba hay bốn Giáo hoàng được bầu lên đúng thủ tục quy định, mỗi vị dựa vào một thế lực riêng để chống lại các vị kia. Giáo hoàng đối lập đầu tiên thời Giáo hội còn sơ khai là Thánh Hippolytus (217-236). Giáo hoàng đối lập cuối cùng là Felix V (1439-1449). Sau thời ông, các tín đồ bất mãn với đường lối của Giáo hội La Mã thường rủ nhau lập giáo phái mới chứ không đoái hoài gì tới vai trò của La Mã và Giáo hoàng nữa. Ngày nay, hàng năm Vatican xuất bản Annuario Pontificio, trong đó có danh sách các Giáo hoàng được Giáo hội chính thức công nhận.

Nhiều Giáo hoàng sống đúng lời gọi thiêng liêng của nhiệm vụ được giao, nhưng cũng có ông đáng bị chỉ trích về mọi mặt. Cho đến nay có 78 Giáo hoàng được phong thánh (gần 30%), mặc dù khi còn sống vị thánh này có thể chống lại và phạt vạ tuyệt thông một vị thánh khác hay gây ra chiến tranh đẫm máu. Trong 49 Giáo hoàng của 5 thế kỷ đầu tiên, chỉ có hai vị không được coi là thánh, Liberius (352-366) và Anastasius II (496-498). Giáo hoàng được phong thánh gần đây nhất là Pius X (1903-1914). Ba vị thường được hậu thế gọi là Giáo hoàng “Cả” (The Great), Leo I và Gregory I và Nicholas I, vì có công lớn về mặt tinh thần, học thuật, xã hội, chính trị… Có Giáo hoàng là anh hùng, như Leo I năm 452 đã dám đi triều cống vua Attila để Ý khỏi bị tấn công. Có ông trụy lạc như John XII (955-963), lên ngôi Giáo hoàng khi 18 tuổi và sa đoạ tới nỗi kinh đô của tội lỗi thời đó là La Mã cũng thấy xấu hổ. Nhiều Giáo hoàng có vợ con và là người chồng, người cha gương mẫu, nhưng cũng có ông có nhiều nhân tình và con rơi sau khi đã lên ngôi.

Giáo hoàng có thể xuất thân từ mọi tầng lớp xã hội. Callistus I (218-223) là cựu nô lệ, Pius XII (1939-1958) là quý tộc La Mã, nhưng John XXIII (1958-1963) kế vị Pius lại là nông dân. Giáo hoàng có thể thuộc mọi sắc dân: Pháp, Hy Lạp, Đức, Tây Ban Nha, Phi châu và hơn 80% là người Ý. Một vị người Anh là Hadrian IV, một Ba Lan là John Paul II, nhưng chỉ có một vị từ Galilee là Peter, và chưa có Giáo hoàng gốc Úc hay Á. Một số vị chưa là tu sĩ khi được chỉ định, vì thế họ phải nhận chức linh mục, rồi tấn phong Giám mục La Mã trước khi chính thức được xem là Giáo hoàng. Cho đến nay tất cả Giáo hoàng đều là nam giới, nhưng huyền thoại về nữ Giáo hoàng Joan trong thời Trung cổ vẫn cứ lưu truyền. Người ta cũng nói đến các Giáo hoàng có khuynh hướng đồng tính luyến ái, nhưng chưa ai tìm thấy tài liệu cụ thể nào trong thư khố của hội thánh.

Trong thời gian đầu, Giám mục La Mã là người có uy tín ở địa phương do tín hữu cử ra. Một thời gian sau các hoàng đế La Mã chỉ định kẻ thân cận giữ chức Giáo hoàng để phục vụ đắc lực cho quyền lợi của đế quốc. Khi Giáo hội trở nên độc lập hơn đối với các nhà cầm quyền thế tục, Giáo hoàng lại được người đồng đạo bầu ra. Ngày xưa cử tri đoàn bầu Giáo hoàng có thể họp bất cứ nơi nào thuận tiện tùy theo tình hình, hoặc ở nơi Giáo hoàng qua đời, không nhất thiết phải ở La Mã.

Là người cầm đầu cộng đồng tín hữu, Giáo hoàng thường có cuộc sống giàu sang và tiện nghi hơn các giáo dân cùng thời, trừ những khi bị bức hại. Nhiều vị chi tiêu xa hoa ngoài sức tưởng tượng, xây những cung điện và giáo đường vĩ đại trong lúc giáo dân cùng khốn, nhưng cũng có vị sống đời khổ hạnh đáng làm gương cho mọi thời và mọi người kế vị. Là Giám mục La Mã, họ cai quản tài sản của giáo xứ, và vào thời kỳ đầu họ phải cưỡng lại nhiều cám dỗ đi đôi với chức Giám mục đó. Tín đồ thường hiến đất và tiền cho “Thánh Peter”, nghĩa là cho Giám mục La Mã. Điền sản Thánh Peter mở rộng nhất hồi thế kỷ 18, kéo dài từ Naples tới Venice cùng một số nơi ở Pháp, và Giáo hoàng trở thành vua của các Nước Giáo hoàng, với đầy đủ những vấn đề của một nhà cai trị thế tục. Lợi tức của họ có từ đất đai của Giáo hội và các giáo xứ giao nộp hay cướp được, hoặc có khi từ việc bán giấy xoá tội và bán chức vụ trong hội thánh, hoặc do các lãnh chúa tặng vì lợi ích của Giáo hội hay vì muốn đổi lấy một ân huệ nào đó. Y phục của họ thường diêm dúa, chỗ ở của họ là các cung điện hoành tráng. Họ không phải lo đến bữa ăn, trừ khi phải chạy trốn vì thất bại trong cuộc tranh chấp với các lãnh chúa hay giáo sĩ khác. Mỗi khi di chuyển, đoàn tùy tùng của họ có thể lên đến hàng ngàn người, từ Hồng y tới binh lính, từ vua chúa tới tiện dân, để giúp việc, để bảo vệ khỏi bị hãm hại, và cũng để phô trương thanh thế.

Ngày nay, Giáo hoàng là người đứng đầu nhà nước Vatican với dân số dưới một ngàn người trên mảnh đất rộng 44 hectare giữa thành phố La Mã. Vatican theo chế độ quân chủ tuyệt đối và có quan hệ ngoại giao với đa số các nước trên thế giới. Về mặt tinh thần, Giáo hoàng còn có vai trò tối cao về hành pháp, lập pháp và tư pháp đối với cộng đồng hơn một tỉ tín đồ sống khắp hoàn cầu. Các huấn dụ và phán quyết của Giáo hoàng có ảnh hưởng lớn không những đối với cuộc đời riêng của giáo dân mà cả sinh hoạt chính trị-xã hội nơi họ sống.

Lá cờ Toà thánh: màu vàng tượng trưng cho quyền uy tinh thần của Giáo hoàng; màu trắng là quyền lực trần thế; trên nền trắng là huy hiệu Toà thánh, hình hai chiếc chìa khóa của Thánh Peter đặt chéo trên vương miện ba tầng của Giáo hoàng.

***

Mọi chức vụ trên trần thế đều phản ảnh tình hình chính trị của xã hội. Ngôi Giáo hoàng cũng không đi ra ngoài quy luật đó. Lịch sử ngôi Giáo hoàng có năm mốc quan trọng:

1) Khi cộng đồng tín hữu còn phôi thai, hai thánh tông đồ Peter và Paul đến rao giảng và tử đạo ở La Mã. Vì tầm quan trọng của kinh đô La Mã và địa vị của Peter, vai trò chủ chăn ở La Mã có địa vị trội hơn giám mục các nơi khác. Khi Kitô giáo còn bị áp bức, Giám mục La Mã tự đặt cho mình một nhiệm vụ rất khiêm tốn là giữ cho mộ thánh Peter và Paul khỏi bị phá hoại, cử hành thánh lễ tại các nhà thờ địa phương và giúp dân nghèo. Khi các Giám mục khắp nơi có tranh cãi về thần học, họ thường hội ý với những vị có uy tín ở các giáo xứ quan trọng, trong đó có Giám mục La Mã, người kế vị Peter.

2) Đầu thế kỷ thứ 4, Hoàng đế Constantine cải đạo sang Kitô giáo – công lao của Constantine lớn tới nỗi một số tín đồ Kitô xem ông là tông đồ thứ 13. Khi Hoàng đế theo tôn giáo mới, triều đình và thần dân cũng cải đạo theo. Hơn nữa, Constantine đốc thúc các Giám mục trên toàn cõi đế quốc nhận nhiệm vụ dân sự, từ đó Giáo hội ngày càng mạnh và dấn sâu vào việc hình thành cơ cấu chính trị của xã hội. Giám mục La Mã vừa chăn dắt giáo dân địa phương, vừa giúp Hoàng đế giải quyết những vấn đề liên quan đến Kitô hữu trên toàn cõi đế quốc.

Khi Kitô giáo trở thành quốc giáo của đế quốc La Mã, nhất là sau Chỉ dụ Milan năm 313, ngôi Giáo hoàng thường do Hoàng đế chỉ định, không do tín hữu địa phương cử ra nữa. Hoàng đế là vua của đế quốc, vua của các vua. Giáo hoàng chỉ là vua một vùng đất nhỏ trong đế quốc, vì thế phải thoả mãn yêu cầu của Hoàng đế, đôi khi của hai Hoàng đế cùng một lúc, một ở La Mã phía tây và một ở Constantinople phía đông.

3) Đến thế kỷ thứ 8, đế quốc La Mã đã suy đồi, Hoàng đế ở Constantinople không bảo vệ được La Mã nữa, vì thế Giáo hoàng tìm sự giúp đỡ của triều đình Carolingian, Pháp. Liên hệ giữa Giáo hoàng với các nhà cai trị phía Tây trở nên gắn bó, và ảnh hưởng của Byzantine nhạt dần.

Sau biến cố Giáo hoàng đội Léon III vương miện cho Hoàng đế Charlemagne năm 800, ngôi Giáo hoàng dần thoát khỏi sự kiềm chế của thế quyền và đôi khi lấn át các ông vua khác ở Âu châu. Các Nước Giáo hoàng hiện ra ngày càng rõ, tuy không liền một khối. Công việc cai trị đòi hỏi phải mộ quân, tích lũy lương thực, củng cố thành lũy, nhà thờ, cung điện, và thu thuế khắp nơi. Giai đoạn này cũng thường xuyên xuất hiện các Pháp đình Tôn giáo để răn đe và chống kẻ dị giáo, hoặc chỉ dùng danh nghĩa tôn giáo để dập tắt kẻ chống đối. Rồi khi Đất Thánh bị vua Hồi xâm lăng, các Giáo hoàng đứng lên kêu gọi thực hiện cuộc viễn chinh Thập tự giá. Các cuộc thánh chiến đẫm máu do họ đề xướng kéo dài suốt mấy thế kỷ nhằm giành lại Jerusalem cho tín đồ Kitô, và trên thực chất cũng để giải quyết các vấn đề kinh tế-chính trị ở phương Tây.

4) Quyền uy lớn dẫn đến băng hoại lớn, Giáo hội Công giáo là một tổ chức của con người cũng không thoát khỏi điều đó. Thời Phục hưng và Khai sáng ở Âu châu, kéo dài từ thế kỷ 14 đến 18, với các phát triển trong ngành nhân văn và khoa học tự nhiên đã bộc lộ rõ sự lỗi thời và phản tiến bộ của Giáo hội Công giáo La Mã thời ấy dưới mắt nhiều người. Giáo hội ngày càng phải dựa vào Pháp đình Tôn giáo để đàn áp và củng cố quyền lực của mình. Tu sĩ các dòng tu Francisco, Dominic, Jesuit… giúp Giáo hoàng vượt qua nhiều cơn bão của thời đại và cũng là phán quan đắc lực trong các Pháp đình Tôn giáo khắp vòm trời Kitô.

Trong khi đó, tình trạng nhũng lạm của tu sĩ ngày càng trầm trọng, trí thức Âu châu và các tu sĩ có tinh thần cải cách liên tục kêu gọi chỉnh đốn Giáo hội. Họ dịch Thánh kinh ra ngôn ngữ địa phương để giáo dân có thể trực tiếp đọc và hiểu lời Chúa, một điều làm Giáo hội La Mã sợ hãi. Cùng với sự tiến bộ của ngành in, các bản dịch Thánh kinh phổ biến rộng trong dân chúng, mang lại một sức sống mới cho thần học Kitô. Họ cũng lập ra rất nhiều giáo phái khác để cùng nhau sống đạo trong tinh thần mới, phản đối một số phán quyết và tác phong của Giáo hội La Mã. Các Giáo hoàng thời kỳ này vừa phải chống đỡ với những băng hoại từ bên trong Giáo hội, vừa phải lúng túng đối phó với tiến bộ về mọi mặt của xã hội thế tục. Giáo hoàng không còn địa vị tối cao dưới mắt nhiều cộng đồng Kitô hữu nữa.

5) Vào thế kỷ 19, dân trên bán đảo Ý bắt đầu muốn lập một nước Ý thế tục và thống nhất. La Mã dần dần trở thành thủ đô của một nước Ý đang định hình, những nước nhỏ của các đại gia trên bán đảo bắt đầu phải chịu giải thể và sáp nhập lại, trong đó Giáo hoàng là một trong những đại gia có thế lực nhất.

Giáo hội La Mã là lực lượng cuối cùng phản đối nỗ lực của người dân muốn thành lập nước Ý. Giáo hoàng Pius IX (1846-78) không công nhận vương quốc Ý, vì thế ông bị tước mọi quyền thế tục và bị đuổi khỏi lâu đài Quirinale, phải vào ở trong Vatican. Để chống lại, Pius IX tuyên bố rút phép thông công những ai đi bầu hoặc tham gia vào chính quyền Ý. Năm 1905, Pius X (1903-14) mới chính thức cho giáo dân quyền bầu cử, và phải bầu cho các đại biểu không thuộc phe xã hội. Năm 1929, không thể đi ngược với trào lưu tiến hoá nữa, Toà thánh ký Hiệp ước Lateran với nhà độc tài phát xít Benito Mussolini, giao tất cả đất đai của các Nước Giáo hoàng trên bán đảo và thành phố La Mã cho chính phủ Ý, đổi lại dân Ý công nhận Vatican là một nước độc lập có chủ quyền. Từ nay, Giáo hoàng không còn quyền sinh sát như trước, mà chú trọng nhiều hơn vào trách nhiệm tinh thần, dẫn dắt Giáo hội qua hai cuộc thế chiến của thế kỷ 20 và đối diện với những tiến bộ mới sau đó trong khoa học tự nhiên và nhân văn.

***

Vai trò của Giáo hoàng giữa trần thế và trong cộng đồng tín hữu thay đổi theo thời gian. Mối liên hệ giữa Giáo hoàng với các nhà cai trị thế tục cũng như với các tu sĩ khác trong Giáo hội thường rất phức tạp. Để tranh quyền với vị Hoàng đế đã chỉ định mình, Giáo hoàng có thể lập vây cánh với các ông vua khác. Để nắm chắc Giáo hội đi theo đường lối của mình, Giáo hoàng có thể phong thật nhiều chức Hồng y, Giám mục hay trưởng dòng tu cho phe nhóm hay gia đình mình, để chính sách và quyền lợi của phe mình sẽ được duy trì ngay cả sau khi mình qua đời.

Diễn giải thần học về vai trò của Giáo hoàng đối với các nhà cai trị thế tục cũng biến đổi theo tương quan lực lượng về chính trị-kinh tế. Với nhiều tình cờ của lịch sử, từ vai trò rất khiêm tốn ở buổi đầu còn bị bách hại, đến khi Kitô là tôn giáo thống trị trên một vùng rộng lớn, Giáo hoàng dần trở thành người có quyền chuẩn nhận tính hợp pháp thiêng liêng của các ông vua trần thế. Với tư cách là người đứng đầu Giáo hội linh thánh, Giáo hoàng phong vương cho các ông vua Công giáo, qua hành động đội vương miện lên đầu họ. Khi bị Hoàng đế chèn ép, Giáo hoàng có thể cầu cứu thế lực của ông vua nào mạnh nhất hay ở gần nhất. Khi Hoàng đế tỏ ra suy yếu, Giáo hoàng có thể lấn thêm một bước. Tranh chấp quyền lực giữa Giáo hoàng và các nhà cai trị thế tục luôn luôn phức tạp, nhưng nguyên nhân chính vẫn từ tham vọng, và kết quả chính vẫn tùy thuộc phần lớn vào sức mạnh trần thế của hai bên.

Ngày nay Giáo hoàng không chuẩn nhận tính chính thống của nhà cầm quyền thế tục nào nữa, mà chỉ là lãnh tụ tối cao của Giáo hội hoàn vũ. Ông có toàn quyền chỉ định Giám mục trên khắp thế giới, thay vì Giám mục được cộng đồng tín hữu địa phương chọn ra như thuở ban đầu. Giáo dân mất quyền chọn người dẫn dắt gần gũi với mình, nhưng toàn Giáo hội có một tiếng nói thống nhất. Trong khi đó, Giáo hoàng thường trao đổi, thương lượng với nhà nước thế tục trước khi bổ nhiệm các chức sắc của Giáo hội địa phương, và có quốc gia không công nhận quyền này của ông. Ngày nay, Giáo hoàng cũng tiếp xúc đông đảo mọi người trên khắp thế giới, kể cả người ngoại đạo.

Giáo hoàng cũng viết huấn dụ gửi Giám mục các nước, vạch đường hướng cho Giáo hội và giáo dân trên trần thế. Tín đồ có thể gặp khó khăn khi luật của hội thánh mâu thuẫn với luật của quốc gia. Khi luật của hội thánh khác với suy nghĩ và sinh hoạt trong đời sống riêng của mình, các giáo dân thường tỏ ra linh động và tùy nghi áp dụng, chẳng hạn trong vấn đề ngừa thai. Huấn dụ của Giáo hoàng thường liên quan tới các vấn đề lớn nhỏ của thời đại, như chiến tranh, khoa học, công bằng xã hội, đức tin, vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, ngừa thai, hôn nhân giữa nam nữ và giữa những người đồng tính, lời nguyện độc thân và nạn xách nhiễu tình dục của tu sĩ, sự hợp nhất với các Giáo hội Kitô khác… Ngoài ra, khi Giáo hoàng có những tuyên bố “không thể sai lầm” thì toàn thể giáo dân không được tranh biện, đến khi tuyên bố ấy bị một Giáo hoàng khác hủy bỏ.

***

Một số tín đồ Công giáo cho rằng Giáo hoàng là đại diện duy nhất của Chúa trên trần thế nên được Chúa trực tiếp chọn ra. Do đó, lúc họp kín để bầu Giáo hoàng mới, Mật nghị Hồng y chỉ cầu xin đấng tối cao hướng dẫn họ. Tuy được thánh linh dẫn dắt, các Hồng y thường phải bầu đi bầu lại nhiều lần, và khó giải thích các cuộc vận động ngầm hay công khai bên trong và ngoài Giáo hội, trước và trong khi bầu chọn Giáo hoàng mới. Ngày nay bầu Giáo hoàng bằng cách lên tiếng tán thành không còn hợp lệ mà phải bỏ phiếu chính thức. Mật nghị Hồng y chỉ gồm các Hồng y dưới 80 tuổi. Họ không được dàn xếp ngầm, nghĩa là một số Hồng y cùng thoả thuận về một ứng viên, biết rằng các Hồng y khác sẽ chịu theo thoả thuận đó. Mọi diễn tiến liên quan đến việc bầu Giáo hoàng phải được giữ bí mật tuyệt đối, ngoại trừ kết quả của những lần bỏ phiếu. Hình thức bầu cử duy nhất là bỏ phiếu kín.

Mật nghị Hồng y họp kín, nhưng vẫn chịu áp lực của thế giới bên ngoài vì họ xuất thân từ cõi đó. Áp lực có thể từ hội thánh hay thế tục, đúng với niềm tin rằng Giáo hội là tổ chức vừa thiêng liêng vừa thuộc về con người. Vì Giáo hội mang tính thiêng liêng, nên Chúa tham dự vào quá trình lựa chọn đấng dẫn dắt con chiên có tầm quan trọng như Giáo hoàng. Vì Giáo hội mang tính con người, nên con người tham dự vào việc bầu lên Giáo hoàng. Và nơi nào có con người, nơi đó có chính trị, tư lợi và khát vọng quyền lực. Không ai biết chắc hai yếu tố linh thiêng và con người tác động nhau thế nào, nhưng đó là điều huyền bí của hội thánh.

Giáo lý Công giáo cho rằng Giáo hoàng là người kế vị Peter và đại diện của Chúa, nhưng thủ tục bầu ông lại là một thủ thuật chính trị do con người đặt ra. Hồng y đoàn lựa một số ứng viên. Ứng viên được chọn vì hình như có khả năng thích hợp với nhu cầu của thời đại, hay bị chống đối vì hình như có thể làm hại đến sứ mạng và sự tồn vong của Giáo hội. Tất nhiên, không phải lúc nào Hồng y đoàn cũng chọn được người mình muốn. Vì thế họ tính toán, chọn một ứng viên khác dễ được chấp nhận hơn hay ít bị chống đối hơn. Nhiều khi việc bầu bán kéo dài rất lâu vì các thế lực bên ngoài điều đình chưa xong. Sau khi Clement IV mất năm 1268, Mật nghị Hồng y họp ba năm ở Viterbo mới bầu được Gregory X kế vị, vì các Hồng y thuộc hai phe Pháp và Ý kình địch nhau. Nhà cầm quyền Viterbo phải nhốt họ trong cung điện, rồi giỡ mái nhà, cúp bớt lương thực và cuối cùng doạ bỏ đói họ mới chịu bầu xong. Ngược lại, năm 1503, Mật nghị Hồng y sau khi nhận hối lộ chỉ cần họp nửa buổi để bầu lên Julius II. Về sau, chính Julius II (1503-1513) quy định rằng mua chuộc bầu cử là bất hợp pháp và vô giá trị, và người được bầu là kẻ bội giáo. Năm 1975, Paul VI (1963-1978) bãi bỏ quy định vô hiệu hoá kết quả bầu cử để tính pháp lý của cuộc bầu Giáo hoàng trong quá khứ cũng như tương lai không bị đặt vấn đề vì bất cứ lý do nào.

Vì ngôi Giáo hoàng là thể chế quân chủ tuyệt đối, Giáo hội phải đối phó ra sao nếu vị Giáo hoàng làm trái với nhiệm vụ thiêng liêng của mình? Trong quá khứ, Giáo hội và các nhà cai trị thế tục, đôi khi không vì lợi ích Phúc âm, đã cách chức vĩnh viễn hay tạm thời 26 Giáo hoàng (gần 10%), kể cả phạt vạ tuyệt thông hay truất phế và giết họ mà không được sự chấp thuận rộng rãi trong Giáo hội. Giáo hoàng đầu tiên phải thoái vị là Thánh Pontian (230-235), và người bị bắt giam và truất phế gần đây nhất là Pius VI (1775-1799).

Ngày nay, giáo luật quy định ngôi Giáo hoàng chỉ bỏ trống khi Giáo hoàng qua đời, hay tự ý từ chức. Tuy nhiên, không ai có thẩm quyền nhận lời từ chức của người kế vị Thánh Peter. Giáo luật không dự tính trường hợp Giáo hoàng bị điên, hôn mê, hay quá yếu không làm nhiệm vụ được nữa. Cũng không có quy định nào khi Giáo hoàng bị nhiều người cho là theo dị giáo, hay gây ra ly giáo, hay thiếu đạo đức. Luật chỉ nói rằng Giáo hoàng luôn hợp nhất với các Giám mục và Giáo hội hoàn vũ. Hơn nữa, ai công khai phản đối Giáo hoàng trong các vấn đề về đức tin và luân lý có thể sẽ bị khiển trách và chế tài, hay bị phạt vạ tuyệt thông, hay gọi về Vatican để bị chất vấn và cấm phát biểu.

***

Chữ Latin “papa” nghĩa là cha, để chỉ Giáo hoàng. Thoạt tiên, “papa” dùng để gọi những người có uy tín và được yêu mến trong cộng đồng tín hữu ở các địa phương. Vào thế kỷ thứ 5, khoảng thời Giáo hoàng Leo I, danh hiệu “papa” bắt đầu dùng riêng cho Giám mục La Mã, một địa phận đặc biệt linh thiêng vì tông đồ Peter và Thánh Paul đã giảng đạo và qua đời ở đó. Mặc dù hãnh diện về vai trò của Peter và Paul, các Giáo hoàng thường nhìn mình chỉ dưới hình ảnh Peter. Họ thấy mình là đại diện cho Peter dưới thế gian, vicarius Petri. Ngày nay Giáo hoàng làvicarius Christus, một danh hiệu lúc đầu dùng cho mọi tu sĩ và cả nhà cai trị thế tục vì họ trông nom nhà thờ và làm nhiệm vụ dưới danh nghĩa của Chúa. Đến đầu thế kỷ 13, Innocent III mới chính thức dùng tước hiệu đó để tỏ quyền hạn cao hơn các Giám mục khác.

Trong thời Trung cổ, Giáo hoàng đôi khi tự xưng là “Giáo phụ La Mã”, về sau trở thành “Giáo phụ phương Tây” để phân biệt với “Giáo phụ phương Đông” ở Constantinople. Đến thế kỷ 19, danh hiệu này được chính thức ghi nhận trong bảng liệt kê các danh hiệu của Giáo hoàng, nhưng đến năm 2006 lại bị loại bỏ.

Ngày nay các huấn dụ do Giáo hoàng ban hành dưới tên Summus Pontifex (Cha cả). Công đồng Vatican II (1962-1965) nhấn mạnh vai trò phục vụ khiêm tốn của người cầm đầu Giáo hội, từ đó Giáo hoàng còn gọi là “tôi tớ của các tôi tớ Thiên chúa”, servus servorum Dei. Tiếng Việt dùng các danh hiệu Đức Thánh Cha, Đức Giáo tông, Đấng Giáo chủ, Giáo hoàng… để chỉ người cầm đầu Giáo hội hoàn vũ.

Trong một thế kỷ qua các Giáo hoàng đóng vai trò rất lớn trong việc định hình Giáo hội. Mười thế kỷ trước đa số tín đồ chưa chắc đã biết có ngôi Giáo hoàng, hay nghĩ rằng chức vụ đó có ảnh hưởng gì đến đức tin và tôn giáo của họ. Giữa thế kỷ 15, một phần nhờ máy in, các phái Tin Lành loan truyền rộng rãi những luận cứ gạt bỏ quyền lực của Giáo hoàng, vì thế Giáo hội Công giáo La Mã và tín đồ lại càng ủng hộ ngôi vị ấy. Nhiều giáo dân Công giáo tự xem mình là người theo chủ nghĩa giáo hoàng (papists). Từ khi Công đồng Vatican I (1869-1870) ban hành tín điều Giáo hoàng không thể sai lầm khi tuyên bố những điều liên quan tới đức tin và luân lý, địa vị của ngôi Giáo hoàng trong Giáo hội càng được củng cố vững chắc. Ngày nay, ngôi Giáo hoàng vẫn giữ vị trí quan trọng đối với Giáo hội Công giáo cũng như xã hội thế tục, một phần nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại như radio, TV, internet, phần khác vì vai trò thần học cũng như thế tục của ngôi Giáo hoàng đã bước qua một giai đoạn mới.

Nguồn: nghiên cưu quốc tế

Tin cùng loại