Vay tiền đầu tư vào những dự án bất động sản, "lướt sóng" kiếm lời nhưng hàng trăm người ở khu vực miền Trung phải gánh trái đắng
Liên tiếp mấy ngày qua, nhiều người dân ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án HomeLand Green City đã tập trung về Chi nhánh Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản HomeLand (gọi tắt Công ty HomeLand) tại TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi để yêu cầu trả lại tiền mà họ đã ký kết đầu tư theo hợp đồng.
Đòi tiền như... đi xin
Ông Nguyễn Quốc Phong (ngụ huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cho biết tháng 5-2019, ông có ký kết 3 hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty HomeLand để nhận chuyển nhượng 3 lô đất nền tại dự án HomeLand Green City. Tổng giá trị 3 hợp đồng gần 2,7 tỉ đồng và ông đã thanh toán 95%.
"Theo thỏa thuận, sau khi hợp đồng đã ký kết 12 tháng, phía Công ty HomeLand phải giao quyền sử dụng đất cho tôi. Thế nhưng sau 12 tháng, Công ty HomeLand vẫn không giao quyền sử dụng đất. Đến thời hạn này, công ty cũng chỉ trả 1 tỉ đồng và nhiều lần khất hẹn nhưng không trả số tiền còn lại" - ông Phong trình bày.
Ông Phong cho biết để có tiền đầu tư 3 dự án nói trên, gia đình ông phải vay ngân hàng. Vì tiền lãi ngân hàng quá lớn, trong khi Công ty HomeLand liên tục trễ hẹn nên ông yêu cầu lấy lại tiền gốc, không đòi bồi thường, chỉ để trả nợ ngân hàng nhưng cũng không được.
Năm 2016, chủ đầu tư dự án The Sunrise Bay là Công ty TNHH The Sunrise Bay đã thông qua nhà phân phối là một công ty bất động sản ở Đà Nẵng bán hơn 1.000 nhà phố, biệt thự. Giá mỗi căn từ 4 đến 9 tỉ đồng tùy theo vị trí và diện tích. Theo hợp đồng đặt cọc, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà trong quý I và II/2018. Trên thực tế, dự án đang bị bỏ hoang, các hạng mục xây dựng vẫn dang dở. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố thanh tra toàn diện dự án.
Bà Võ Thị Lệ Thủy, một khách hàng mua nhà tại dự án này, cho biết hàng trăm người đã ký hợp đồng mua nhà tại đây. Phần lớn khách hàng đều phải cầm cố ngân hàng, thuê nhà để ở nhưng đã 4 năm qua mà chủ đầu tư chưa đả động đến việc giao nhà. Số tiền thuê nhà trong thời gian qua và số lãi ngân hàng khiến nhiều gia đình khách hàng khốn đốn.
Muôn kiểu "ngậm trái đắng
Không chỉ bị các đơn vị phân phối hay chủ đầu tư "chây ì" trong việc giao sổ đỏ, trả lại tiền…, nhiều người khác đã trót vay ngân hàng đầu tư vào những dự án bất động sản nhằm "lướt sóng" kiếm lời, đến khi thị trường bất động sản lao dốc, họ đứng trên bờ vực phá sản.
Đầu năm 2019, anh Trần Văn M. (ngụ TP Quảng Ngãi) cùng một người bạn đầu tư mua 8 lô đất tại một dự án khu dân cư ở phía Đông TP Quảng Ngãi, mục đích "đánh nhanh" kiếm lời. Khi mua xong chưa kịp bán lại thì giá đất rớt thê thảm nên chưa bán được lô nào. "Bây giờ, mỗi tháng chúng tôi phải trả lãi ngân hàng gần 30 triệu đồng/tháng. Với tình hình thị trường bất động sản "đóng băng" do Covid-19 như thế này, mình bán lỗ cũng không được, giữ cũng không xong" - anh M. chán nản.
Theo một số người mua đất, đầu năm 2017, họ thấy Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam (đóng tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) rao bán rầm rộ đất nền tại các dự án 7B mở rộng (Sakura Central Park), Bách Đạt 1 (Eco Future Park) và Hera Complex Riverside (khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) với nhiều thông tin quảng cáo rất hấp dẫn.
Qua tìm hiểu, Công ty Hoàng Nhất Nam cho biết họ có hợp đồng với chủ đầu tư là Công ty CP Bách Đạt An để phân phối đất nền tại 3 dự án trên. Nhận thấy giá đất thời điểm đó còn rẻ, địa điểm thuận lợi, có nhiều khả năng sinh lời nên hàng trăm người đã đổ xô đến các sàn giao dịch để đặt mua những lô "đắc địa".
Thực tế, trong khoảng 1.000 khách hàng mua đất tại 3 dự án trên, nhiều người có nhu cầu thực sự nhưng đa phần là nhà đầu tư "ôm" đất chờ kiếm lời với niềm tin bên bán sẽ bàn giao sổ đỏ đúng cam kết. Tuy nhiên, cuối năm 2018, sắp đến thời hạn nhận sổ đỏ, người mua đất "vỡ mộng" khi nghe thông tin giữa Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam xảy ra mâu thuẫn, phải kéo nhau ra tòa nhờ phân xử.
Gần 2 năm qua, khoảng 1.000 người mua đất luôn trong tâm trạng lo lắng, họ phải bỏ công việc, kéo nhau đến bao vây trụ sở 2 doanh nghiệp trên đòi sổ đỏ và nhiều lần gõ cửa chính quyền nhờ can thiệp. Tuy nhiên, do các bên liên quan giao dịch mua bán đất khi các dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư nên chính quyền địa phương không thể làm gì được. Sau vụ lùm xùm này, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã phải đăng tải thông tin cảnh báo về 70 dự án bất động sản trên địa bàn khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc chưa đủ điều kiện giao dịch.
Nguồn: NLĐ