So với khí thải ôtô, khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn vì có thuộc tính gây đột biến gien và teratogen, nguy cơ ảnh hưởng phôi thai, gây ra một số loại ung thư ở người
Cấp thiết kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại TP HCM một lần nữa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT), các sở, ngành, nhà khoa học đặt ra tại hội nghị tổng kết chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành, tổ chức sáng 27-1.
Mỗi năm gia tăng gần 73.000 tấn khí thải độc hại
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM Bùi Hòa An nhìn nhận ô nhiễm không khí đã đến mức báo động. Năm 2019, trên bản đồ xếp hạng của thế giới, TP HCM có những thời điểm nằm trong top 10 những TP ô nhiễm nhất thế giới.
Kết quả quan trắc tại 30 vị trí năm 2019 cho thấy các chỉ số ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO... tăng từ 1,5-2,5 lần, đặc biệt bụi mịn PM10, PM2.5 gia tăng từ 1,9-2,5 lần, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Ô nhiễm xuất phát từ nhiều nguồn nhưng một trong những nguyên nhân chính là khí thải từ môtô, xe máy.
Dẫn chứng thêm kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, ông Bùi Hòa An cho biết so với khí thải ôtô, khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn vì có thuộc tính gây đột biến gien và teratogen, nguy cơ ảnh hưởng phôi thai, gây ra một số loại ung thư ở người. Với TP có gần 10 triệu dân, khoảng 8,5 triệu phương tiện đang lưu thông mỗi ngày (trong đó 7,5 triệu môtô, xe máy, còn lại là ôtô), việc kiểm soát khí thải xe máy là cấp thiết.
Tuy nhiên, ông Bùi Hòa An nhìn nhận do các quy định pháp luật liên quan chưa quy định việc kiểm định khí thải định kỳ đối với môtô, xe máy nên chưa triển khai ngay. Do đó, Sở GTVT phối hợp cùng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam xây dựng đề án "Thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP HCM, góp phần cải thiện chất lượng không khí" (gọi tắt là đề án).
Xe máy cũ lưu thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khíẢnh: Hoàng Triều
ThS Đinh Trọng Khang, Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT), nhóm nghiên cứu đề án, cho biết kết quả thí điểm kiểm tra khí thải miễn phí 10.682 xe máy tại TP HCM, cho thấy 17,34% lượng xe không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 1, đặc biệt gần 40% xe máy trên 10 năm không đạt tiêu chuẩn khí thải (xe trên 10 năm chiếm gần 70% lượng xe lưu hành). Nếu TP không kiểm soát khí thải xe máy, hằng năm lượng khí thải gia tăng thêm 68.500 tấn CO và gần 4.500 tấn HC. Nếu kiểm soát được khí thải xe máy, mỗi năm TP có thể giảm 61.200 tấn khí thải CO và HC, 122.000 tấn CO2. Lượng khí thải độc hại giảm, chất lượng sống của người dân TP sẽ nâng cao.
Dẫn chứng câu chuyện của Đài Loan, có đặc thù tương tự Việt Nam, ThS Đinh Trọng Khang cho biết để giảm một lượng khí thải khổng lồ này, Đài Loan phải mất 15 năm và bắt đầu thực hiện từ năm 1993. TP HCM cần chủ động thực hiện càng sớm càng tốt, bắt đầu ở khu vực trung tâm, nơi chịu áp lực lớn ô nhiễm không khí.
Miễn phí kiểm định khí thải cho người nghèo
"Qua khảo sát cho thấy có đến 70%-80% người dân sinh sống tại TP HCM dùng phương tiện xe máy để mưu sinh. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải đột ngột, không có sự hỗ trợ từ các tổ chức, cơ quan nhà nước, người dân sẽ gặp không ít khó khăn. Để người dân đồng tình, ủng hộ hướng tới tự nguyện kiểm tra, kiểm soát khí thải phương tiện cá nhân, không chỉ tuyên truyền cho người dân hiểu về mức độ ô nhiễm không khí, những ảnh hưởng đến sức khỏe mà cần thực hiện đề án theo lộ trình, giai đoạn và từng khu vực cụ thể" - ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu cho biết đề án sẽ chia nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu (2021-2024) xây dựng 88 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu. Thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu khí thải xe máy và thu phí 50.000 đồng/xe/năm. TP miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo và có cơ chế hỗ trợ cho người dân thay thế xe cũ không đạt chuẩn khí thải.
Sau đó phân vùng các khu vực theo tiêu chuẩn khí thải và áp dụng cho xe từ 5 năm sử dụng trở lên, khu vực quận 1, 3, 5 cho phép xe có khí thải đạt mức 2 của TCVN-2018 được phép lưu thông, xe không đạt bị phạt hành chính, cho lưu thông.
Giai đoạn tiếp theo (từ năm 2025 trở đi) đầu tư thêm 78 trạm kiểm soát quy mô toàn TP với 13 quận. Tổng kinh phí thực hiện đề án (giai đoạn 2021-2030) khoảng 553 tỉ đồng, dự kiến thu phí kiểm định là 2.142 tỉ đồng, nộp ngân sách được 1.588 tỉ đồng.
Để đề án sớm thực hiện, ông Bùi Hòa An kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành quy định pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát khí thải xe máy; xây dựng lộ trình kiểm định, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Nguồn: NLĐ