Nếu được trang bị công nghệ tiên tiến, giám sát chặt từ cộng đồng, các nhà máy nhiệt điện than có thể xử lý hiệu quả chất thải
Thải 10 triệu tấn tro
GS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, cho biết do giá thành sản xuất thấp hơn thủy điện nên sau khi khai thác nguồn thủy năng, các quốc gia trên thế giới đều chuyển sang phát triển NĐT và Việt Nam cũng tương tự. NĐT sử dụng rất nhiều than nên khối lượng chất thải cũng rất lớn, gồm chất thải khí, nước súc rửa công nghiệp, nước làm mát tuabin, bụi than… Đặc biệt, khối lượng tro xỉ là rất lớn bởi tổng lượng than cung cấp cho điện lên đến khoảng 30 triệu tấn, thải ra 10 triệu tấn tro. Vì thế, nếu không được xử lý công nghệ cao, những chất thải này sẽ gây tác hại đến môi trường.
Bãi thải tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 ở tỉnh Trà VinhẢnh: Ca Linh
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 19 nhà máy nhiệt điện do EVN quản lý, có đến 11 nhà máy NĐT. Các nhà máy này đều được trang bị công nghệ xử lý khí chất thải và nồng độ khí theo quy chuẩn Việt Nam. Các nhà máy Uông Bí 1 và 2, Quảng Ninh 1 và 2, Phả Lại 1 và 2, Hải Phòng 1 và 2 đang nâng cấp hệ thống xử lý khí thải và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và đầu 2019.
Về xử lý nước thải, đại diện EVN xác nhận tất cả nhà máy NĐT đều có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Với chất thải tro xỉ, các nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu một phần với nhiều doanh nghiệp để làm vật liệu xây dựng, phần còn lại được lưu giữ tại các bãi chứa và phối hợp chính quyền địa phương triển khai phương án khai thác, tiêu thụ, nhất là dùng để san lấp mặt bằng KCN.
Cần tận dụng triệt để tro xỉ
Để hạn chế tác hại môi trường, GS-TS Trương Duy Nghĩa khuyến cáo các nhà máy NĐT không dùng nước biển để đẩy tro xỉ ra bãi chứa vì khi đó chúng không thể dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Đồng thời, gia cố nền bãi chứa để nước đọng từ bãi tro xỉ không thẩm thấu ra môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng từ tro xỉ. “Khi Trung Quốc cấm sản xuất gạch nung, tro xỉ được tận dụng tối đa để sản xuất gạch không nung. Còn Nhật Bản và Hàn Quốc, tro xỉ từ nhà máy NĐT được sử dụng 100%” – ông Nghĩa nói.
Đề cập đến chất thải khí, GS-TS Trương Duy Nghĩa cho rằng nếu nhà máy NĐT trang bị công nghệ hiện đại thì chất độc hại được xử lý hiệu quả trước khi thải ra môi trường. Chẳng hạn, 4 nhà máy NĐT của Việt Nam được đầu tư gần 8.000 tỉ đồng để nâng cấp công nghệ xử chất thải, sau đó có thể xử lý triệt đề vấn đề ô nhiễm môi trường. Do lượng chất thải lớn nên nhà máy NĐT cần tự động hóa hệ thống quan trắc để kịp thời đánh giá kết quả xử lý. Ống khói của nhà máy NĐT phải cao hơn 200 m để nồng độ phân tán trong không khí thấp, hạn chế ảnh hưởng đến không khí xung quanh.
Nhiều ý kiến cho rằng mấu chốt của việc hạn chế ô nhiễm từ NĐT là công nghệ đầu vào phải hiện đại. “Nếu từ đầu nhà máy NĐT được trang bị công nghệ tiên tiến cùng việc giám sát chặt chẽ từ cộng đồng và cơ quan chức năng thì người dân sống gần các nhà máy NĐT có thể an tâm về môi trường” – ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhìn nhận.
Đại diện Công ty Điện lực Kepco (Hàn Quốc) cho biết nhiều năm trước, người dân Seoul phản đối công ty xây dựng nhà máy NĐT gần khu vực có mật độ dân cư cao. Lúc đó, công ty phải chứng minh với công nghệ hiện đại, chất thải của nhà máy được giám sát chặt và xử lý hiệu quả. Nhờ vậy, không chỉ được người dân đồng tình, nhà máy NĐT này còn được chính phủ Hàn Quốc trao giải nhất về kinh doanh thân thiện với môi trường.