Chưa có nhiều nghiên cứu về loại hợp chất này, tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng sự phơi nhiễm có thể lan rộng và điều đó khiến cơ thể bị béo phì và tăng nguy cơ bệnh tiểu đường.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trong tuần này, những con chuột bị phơi nhiễm với hóa chất được sử dụng trong nhựa PVC, cánh cửa, khung cửa sổ, rèm, ống nước cũng như các thiết bị y tế có nhiều khả năng bị tiền tiểu đường và béo phì.
Hóa chất này cũng làm tăng sự tích tụ mỡ tại các tế bào gốc trên cơ thể người.
Nghiên cứu này cũng gợi ý rằng việc sử dụng hóa chất này một cách rộng rãi – organotin dibutyltin (DBT) – có thể thúc đẩy bệnh béo phì và tiểu đường. Các nhà khoa học cho rằng nên theo dõi và kiểm soát sự phơi nhiễm ở người vì chúng ta vẫn biết quá ít thông tin về hợp chất này.
“Chúng ta không biết mình bị phơi nhiễm với DBT ở mức độ nào”, tiến sĩ Raquel Chamorro-García, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. Tiến sĩ García hiện nay là một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Sinh học và Tế bào Sinh học của Đại học California Irvine.
“Tuy nhiên, nó có ở trong rất nhiều nguyên vật liệu tại ngay trong nhà chúng ta, chúng tôi tin rằng hầu hết mọi người đều bị tiếp xúc với hóa chất này có thể ảnh hưởng đến vấn đề bệnh tiểu đường”.
Trong vài thập kỷ qua, đã có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ béo phì và bệnh tiểu đường. Có khoảng 38% người trưởng thành và 17% trẻ em ở Mỹ được coi là béo phì. Trong khi đó, hơn 30 triệu người ở Mỹ hiện đang mắc bệnh tiểu đường, nếu tính cả tiền tiểu đường, con số đó lên hơn 100 triệu người.
Trong khi chế độ ăn uống không lành mạnh cùng thói quen lười vận động vẫn là nguyên nhân hàng đầu, các nhà khoa học cho rằng các vấn đề này vượt qua các nguyên nhân hiển nhiên đó. Một nghiên cứu mới được công bố tuần này trên trang Environment Health Perspective là một bằng chứng mới nhất rằng hóa chất trong môi trường sống có thể góp phần tạo nên những vấn đề này bằng cách kích thích các thực thể nhất định, gây ra căng thẳng và thúc đẩy rối loạn chức năng mô.
Các nhà nghiên cứu trước đó đã từng liên hệ một số hóa chất chống cháy, BPA và một số thuốc trừ sâu, PCBs và tributyltin (một loại hóa chất khác trong ống nước PVA) với bệnh béo phì. DBT, kiểm tra trong nghiên cứu mới này, được hình thành khi tributyltin suy thoái và cũng được sử dụng trong sản xuất.
Các nhà khoa học trường Đại học California Irvine đã để những con chuột cái đang mang thai tiếp xúc với DBT. Sự phơi nhiễm này dẫn tới nhiều chất béo và giảm dung nạp glucose ở chuột đực. Không rõ tại sao mối liên hệ này thể hiện rất rõ tại cơ thể chuột đực, nhưng các tác giả đã viết “các cá thể đực và cái có quá trình trao đổi chất rất khác nhau, chúng tôi nghi ngờ rằng sự khác nhau về lưu trữ mỡ có thể trở nên rõ nét hơn tại các cá thể cái già hơn”.
Họ cũng kiểm tra ảnh hưởng của hóa chất lên tế bào gốc của con người và tìm thấy sự tích tụ chất béo tăng lên trong các tế bào tiếp xúc.
Trong khi các nhà khoa học chưa thử nghiệm DBT trên con người, các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy hóa chất này trong bụi và hải sản. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2009 đã chỉ ra rằng con người cũng tiếp xúc với DBT thông qua lọc từ ống nước PVC.
García cho biết: “Các nồng độ chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu này nằm trong ngưỡng mà chúng tôi cho rằng mọi người đang phơi nhiễm”.
Nguồn: Internet