TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUYỀN CON NGƯỜI VÙNG DÂN TỘC, MIỀN NÚI (HRC)

» Môi trường & Sức khỏe » Nhiệt điện ‘trụ’ đến bao giờ?

Nhiệt điện ‘trụ’ đến bao giờ?

13:46 | 21/04/2023
Bên cạnh lo ngại về môi trường thì điều kiện thích hợp để triển khai điện than càng ngày càng giảm.
 

Đơn cử, nguồn vốn cho điện than đang dần cạn kiệt khi mà nhiều tổ chức quốc tế đã không còn “hứng thú” trong việc bơm vốn cho chúng ta vào loại hình năng lượng này. Theo đó, phía WB gần đây đã thống nhất quan điểm điện than có thể gây ra biến đổi khí hậu nên cần áp rào cản kỹ thuật đối với các dự án này khi vay tiền để thực hiện.

Theo TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng Việt Nam, với quan điểm không ủng hộ điện than và hạn chế cho vay vốn của WB và một số tổ chức quốc tế, chắc chắn những dự án này không thể triển khai từ sau năm 2026.

Mới đây, Hàn Quốc cũng đã chính thức đưa ra quyết định chấm dứt không đầu tư công đối với các dự án điện than ở nước ngoài. Ngoài Hàn Quốc, thời gian qua, Nhật Bản cũng đang bị chỉ trích vì cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các dự án điện than ở Indonesia và Việt Nam thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Trước đó, hồi tháng 7/2020, Nhật Bản đã quyết định thắt chặt các điều kiện cho vay đối với các dự án điện than ở nước ngoài, chấp nhận chỉ cho vay các dự án ở các quốc gia có kế hoạch giảm phát thải (NDC) hoặc không có giải pháp thay thế khả thi.

Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên gia, cùng với Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những nguồn cấp tài chính lớn nhất cho các dự án điện than ở Việt Nam. Với những động thái này của các nước bạn, rõ ràng nguồn vốn cho nhiệt điện than của chúng ta thời gian tới là vô cùng eo hẹp.

Thực tế cho thấy những bất cập của các dự án nhiệt điện đã bộc lộ nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, năm 2017, các nhà máy nhiệt điện than trong nước thải ra khoảng 12,2 triệu tấn tro, xỉ sau quá trình đốt, (miền Bắc (60%), miền Trung (21%), miền Nam (19%)).

Đến năm 2019, số lượng than cần phải đốt cho điện lên đến hơn 50 triệu tấn than để đảm bảo đủ sản lượng điện cung cấp cho hệ thống, như vậy bình quân mỗi ngày có khoảng 150 nghìn tấn than được tiêu thụ. Trong khi đó, cứ đốt khoảng 10 tấn than sẽ thải ra 3,3 tấn tro, xỉ. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đang tồn khoảng 15 triệu tấn tro, xỉ sau quá trình đốt than chưa thể xử lý được, cộng thêm với khoảng 18 triệu tấn tro, xỉ dự kiến của năm nay.

Theo tính toán của các nhà khoa học, với lượng tiêu thụ 129 triệu tấn năm 2030 sẽ thải ra hơn 40 triệu tấn tro, xỉ, con số này có thể sẽ tăng lên nữa nếu như nhu cầu về điện vẫn tiếp tục tăng cao. Việc xử lý khối lượng chất thải này thực sự  là bài toán nan giải đối với nhà làm quản lý.

Chính bởi vậy, trong Quy hoạch Điện VIII được Bộ Công thương xây dựng được chú ý rất nhiều đến câu chuyện phát triển các nguồn nhiệt điện than. nội dung dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Đây cũng chính là xu hướng chung của thế giới, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ trong mục tiêu hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển bền vững.

Nguồn: Internet

 

Tin cùng loại