Tại tờ trình mới nhất của Bộ Công thương, cơ cấu nguồn điện than đến năm 2030 sẽ tăng thêm 3.000 MW so với tờ trình gửi Chính phủ trước đó, và nguồn điện tái tạo sẽ giảm tới 6.000 MW.
Năng lượng tái tạo giảm mạnh
Bộ Công thương vừa gửi lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Quy hoạch phát điện điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) với một số điều chỉnh đáng chú ý so với tờ trình hồi tháng 3.
Đầu tiên phải lưu ý rằng các thông số đầu vào phục vụ dự báo nhu cầu phụ tải không thay đổi, do đó kết quả dự báo nhu cầu phụ tải vẫn giữ nguyên so với Tờ trình số 1682 mà Bộ Công thương trình Chính phủ ngày 26.3.2021.
Tuy nhiên, điểm thay đổi đáng chú ý nhất là cơ cấu các nguồn điện đã có sự dịch chuyển đáng kể. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, với nhiệt điện than, dự kiến đến năm 2030 công suất đặt vào khoảng 40.650 MW, tăng hơn 3.070 MW so với tờ trình trước. Một nguồn điện khác cũng tăng là thủy điện nhưng không đáng kể với hơn 600 MW. Các loại nguồn tuabin khí hỗn hợp và nhiệt điện khí dùng LNG vẫn giữ nguyên (gần 14.800 MW). Điện mặt trời cũng giữ nguyên với mức 18.640 MW.
Ở chiều ngược lại, công suất đặt của điện gió giảm tới xấp xỉ 4.200 MW, trong đó điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh (giai đoạn đến 2030). Điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác cũng giảm khoảng 2.000 MW.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, đại diện Bộ Công thương cho hay dự thảo này đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ sau khi Chính phủ xem xét tờ trình tháng 3 và liên tục có những thông báo yêu cầu rà soát với các mục tiêu như cân bằng cao nhất cung - cầu nội vùng; giảm thiểu truyền tải xa, phân tích tính kinh tế, kỹ thuật và giá điện. “Sau khi lấy ý kiến, Hội đồng thẩm định bổ sung, chúng tôi sẽ hoàn thiện và dự kiến trình lên Chính phủ trong tháng 9 này”, vị này cho hay.
Vì “đề bài” hẹp?
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã tìm cách lý giải cho sự thay đổi này. Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng kết quả này là dễ hiểu nếu nhìn vào đầu bài mà Chính phủ đặt ra cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch. “Với các điều kiện như giảm chi phí truyền tải xa, đảm bảo cân đối nội vùng và chi phí giá điện thì rõ ràng nhiệt điện than có nhiều ưu thế nhất. Giả sử giá than thế giới có tăng gấp đôi đi nữa thì vẫn rẻ hơn điện khí. Còn yếu tố cân bằng nội vùng thì rõ ràng điện gió, điện mặt trời ở nhiều địa phương đã thừa, còn than thì việc cơ động vị trí là rất rõ. Chúng tôi cũng chạy mô hình để tính toán nên rõ ràng với đề bài hẹp như trên thì kịch bản và tư vấn đưa ra là tối ưu”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cảnh báo rằng vấn đề các tổ chức quốc tế giảm cho vay với các dự án điện than sẽ khiến tính khả thi trong thực hiện sẽ gặp khó. “Có lẽ tư vấn giả định các dự án này sẽ thu xếp được vốn. Còn trong trường hợp các dự án bị chậm, thậm chí rất chậm họ cũng phải để lại trong quy hoạch, vì gạt ra là thẩm quyền cao hơn nhiều nên điện than tăng cũng là dễ hiểu”, ông Sơn giải thích.
Ông Sơn nhấn mạnh rằng nếu đề bài rộng hơn, ví dụ vì vấn đề an ninh không gian biển, hoặc để thực hiện các cam kết về tăng trưởng xanh, Chính phủ mở thêm yêu cầu tư vấn tính toán rằng nếu phải làm 2.000 hoặc 3.000 MW điện gió ngoài khơi thì chi phí cho hệ thống tăng lên thế nào, cần xây thêm bao nhiêu ki lô mét đường truyền tải... thì lời giải cho bài toán cơ cấu nguồn sẽ phong phú hơn.
Dự thảo này đang khiến không ít doanh nghiệp năng lượng tái tạo đứng ngồi không yên, nhất là trong bối cảnh mới đây các hiệp hội năng lượng VN, năng lượng tái tạo liên tục có kiến nghị nới quy hoạch, nhất là cho điện gió, thậm chí có đề xuất lên đến tận 10.000 MW.
Trên thực tế, nếu dự thảo được thông qua thì đồng nghĩa với việc rất nhiều dự án đang triển khai nghiên cứu sẽ không “đủ chỗ”. Ví dụ, riêng dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) vừa liên tục công bố ký kết các hợp đồng khảo sát địa chất với các nhà thầu trong nước đã có công suất lên tới 3.500 MW. Hay một dự án khác cũng được truyền thông rầm rộ thời gian qua là điện gió Thăng Long (Kê Gà, Bình Thuận) có công suất 3.400 MW...
Đại diện Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) nhận xét rằng nhiều khả năng các vấn đề về tiến độ dự án nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ khó có thể giải quyết kể cả khi được chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII, đặc biệt trong bối cảnh châu Á cũng đang chuyển dịch sang hướng giảm phát thải, cũng như việc cộng đồng tài chính quốc tế đang quyết tâm rút lui khỏi các dự án năng lượng hóa thạch.
Nguồn: Internet